Sören Kierkegaard – RUN SỢ (phần 3)
Sören Kierkegaard – RUN SỢ
IV
Luôn luôn có sự an bình trong cuộc tận hiến. Tất cả những kẻ sẽ hoặc đã tự làm nhục mình bằng sự khinh miệt chính mình đều có thể tự tập luyện để làm được hành động này. Sự tận hiến là chiếc áo mà chúng ta đã đọc trong một truyền thuyết xa xưa. Sợi vải được chăng bằng nước mắt. Mảnh vải được tẩy bằng nước mắt. Chiếc áo được may bằng nước mắt, nhưng nó lại là vật bảo vệ cơ thể ta tốt hơn cả sắt thép. Sự bất toàn của câu chuyện nằm ở chỗ một đệ tam nhân có thể làm ra chiếc áo này. Điều bí mật của đời sống là mọi người phải may cho chính mình chiếc áo ấy, và điều ngạc nhiên là đàn ông cũng có thể may nó một cách hoàn hảo như đàn bà.
Trong sự tận hiến, luôn luôn có sự bình yên và an ủi trong khổ đau, nếu hành động tận hiến được thực hiện một cách bình thường. Tuy nhiên, nếu muốn khảo sát về sự hiểu lầm, về những quan niệm ngớ ngẩn, về những hành động dối trá mà tôi đã gặp phải, thì viết một cuốn sách về những thứ đó, đối với tôi, chẳng khó khăn gì.
Tận hiến là giai đoạn cuối cùng để có được đức tin; những ai không thực hiện hành động này thì sẽ không có đức tin; bởi vì chỉ trong sự tận hiến, tôi mới trở nênh rõ ràng với chính tôi về giá trị trường cửu của mình; và chỉ khi đó mới có thể nảy sinh vấn đề hiểu được lẽ sinh tồn xuất phát từ đức tin.
Vì thế, đức tin không phải là một xúc cảm thẩm mỹ, mà là một cái gì đó cao cả hơn, bởi vì nó coi sự tận hiến như là một tiền đề; nó không là hành động tức thì của con tim, mà là sự nghịch lý của đời sống và cuộc tồn sinh.
Cho nên, khi một thiếu nữ, bất chấp mọi khó khăn, vẫn được thuyết phục rằng ước vọng của nàng chắc chắc sẽ được thực hiện, thì lời thuyết phục này không phải là sự bảo đảm của đức tin, ngay cả khi nàng được dưỡng dục trong một gia đình Thiên Chúa giáo và được học giáo lý suốt một năm với vị cha xứ. Nàng đã bị thuyết phục, bằng tất cả nỗi thơ ngây và trinh bạch hồn nhiên của mình; sự thuyết phục này làm cao cả bản chất nàng và gieo vào trong nàng một sự tôn quý siêu phàm, để cho, tựa như một kẻ có pháp thuật, nàng có thể khơi dậy những khả năng tồn sinh hữu hạn và làm cho đá cuội cũng phải rơi lệ, trong khi mặt khác, nàng lại chạy đến Herod và Pilate
[1]
và làm cả trần gian xúc động bằng những giọt nước mắt. Sự tin tưởng của nàng rất đáng yêu và người ta có thể biết được nhiều qua nàng; nhưng có một điều vẫn chưa được biết: người ta không biết đến những hành động tận hiến, bởi vì niềm tin của nàng, trong nỗi đau của sự tận hiến, không dám đối mặt với cái bất khả.
Thế cho nên tôi có thể cho rằng cần phải có sức mạnh, nghị lực và sự tự do trong tâm hồn thì người ta mới thực hiện được những hành động tận hiến. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy rằng đây là điều có thể làm được. Nhưng một điều khác cũng đã khiến tôi kinh ngạc. Nó làm đầu óc tôi hoang man, bởi vì sau khi đã thực hiện hành động tận hiến, thì con người có được mọi thứ, có được trọn vẹn ước mơ nhờ vào sự phi lý – điều này nằm ngoài khả năng con người, đó là một sự diệu kỳ. Nhưng tôi cho rằng niềm tin của nàng thiếu nữ mang một đặc tính của sự nhẹ dạ khi so sánh với sự kiên trinh mà đức tin thể hiện, tuy rằng nó đã nhận ra cái bất khả. Bất cứ lúc nào tôi cố gắng thực hiện hành động này, tôi đều cảm thấy choáng váng; ngay khoảnh khắc mà tôi đang ngưỡng phục nó một cách tuyệt đối, thì một nỗi kinh sợ lạ kỳ chợt tóm lấy hồn tôi. Hành động này là hành động của đức tin, và luôn luôn như thế, dẫu triết học, nhằm xới tung các khái niệm, có thể khiến chúng ta tin rằng nó có đức tin, và dẫu thần học có thể bán đứng đức tin với một cái giá rất hời.
Nhờ vào đức tin, tôi không khước từ gì cả; trái lại, nhờ vào đức tin, tôi có mọi thứ, với ý nghĩa rằng người có đức tin có thể chuyển dịch núi non. Con người cần phải có lòng quả cảm để từ khước toàn bộ cái tạm thời nhằm đạt đến sự vĩnh cửu; nhưng khi đạt được điều này, tôi lại không thể từ bỏ nó; đó là một sự tự mâu thuẫn; nhưng nghịch lý sẽ len vào và cần phải có một sự quả cảm bình thường để nắm lấy toàn bộ cái tạm thời nhờ vào sự phi lý, và đây chính là lòng quả cảm của đức tin. Nhờ đức tin, Abraham đã không khước từ quyền của mình đối với Isaac; nhờ đức tin, Abrahm đã có lại Isaac. Vì muốn hiến tặng mà chàng thanh niên giàu có sẽ cho mọi thứ; nhưng khi anh ta làm điều đó xong, người của đức tin sẽ nói với anh ta như thế này: “Nhờ vào sự phi lý, anh sẽ có lại từng xu một. Anh có tin điều đó không?” Và lời nói này chẳng hề khiến chàng thanh niên giàu có ấy lưu tâm đến. Nếu như anh ta hiến tặng tài sản của mình bởi vì anh ta không còn muốn chúng nữa, thì sự hiến tặng ấy không lấy gì làm kiêu hãnh.
V
Người ta thường diễn dịch câu chuyện về Abraham theo nhiều cách khác nhau. Họ ca tụng ân sũng của Thượng Đế trong việc trao lại Isaac cho Abraham – toàn bộ sự việc chỉ là một cuộc thử thách. Thử thách – từ này có thể nói lên được điều gì, và toàn bộ sự việc đã trôi qua chóng vánh khi được thuật lại. Một người cưỡi ngựa; rồi một lúc sau ông ta đến đỉnh núi Moriah; rồi một lúc sau ông ta thấy con chiên đực. Người ta quên rằng Abraham chỉ cưỡi lừa, quên rằng ông phải đi ba ngày đường, quên rằng ông cần có thời gian để chẻ củi, để trói Isaac và để mài dao.
Và rồi họ lại tán dương Abraham. Người sắp sữa thuyết giáo có thể ngủ ngon cho đến những giây phút trước khi ông ta bắt đầu thuyết giáo; cử tọa có thể chợp mắt một chút trong thời gian buổi thuyết giáo diễn ra, bởi vì mọi việc đều rất êm đềm, không cần đến sự nỗ lực đáng kể nào từ phía người nói lẫn người nghe. Nếu có một kẻ mắc chứng mất ngủ, hẳn là anh ta sẽ đi về, ngồi trong góc nhà và nghĩ: “Toàn bộ chuyện này chỉ diễn ra một chút thôi; nếu chờ thêm ít phút nữa, bạn sẽ thấy con chiên đực, và như thế, sự thử thách kết thúc.”
Vậy thì, hoặc là chúng ta hãy dẹp Abraham sang một bên; còn không thì hãy biết kính sợ cái nghịch lý dữ dội đã tạo nên ý nghĩa của cuộc đời Abraham, để chúng ta có thể hiểu được rằng thời đại của mình, giống như bao thời đại khác, chỉ có thể an vui nếu như nó có đức tin. Nếu câu chuyện về Abraham không phải là một câu chuyện vô dụng, một bóng ma, một màn trình diễn mà người ta sử dụng để làm trò tiêu khiển, thì tội lỗi không bao giờ nằm trong sự việc rằng kẻ có tội muốn làm như thế, mà điểm trọng yếu là cần phải nhận ra sự cao cả của điều mà Abraham đã làm, sao cho con người có thể tự mình phán xét liệu anh ta có đủ can đảm để chịu một cuộc thử thách như thế hay không. Điểu mâu thuẫn có tính cách khôi hài nơi kẻ thuyết giảng là ông ta làm cho câu chuyện về Abraham bị thoái giảm thành một cái gì đó vô nghĩa, trong khi lại xúi giục người khác hành xử như Abraham.
Vậy thì ta không nói về Abraham nữa hay sao? Tôi nghĩ chúng ta cần phải nói. Nếu phải nói về Abraham, thì điều trước tiên là tôi mô tả nỗi đau trong cuộc thử thách của ông. Mục đích của tôi là muốn có một con đĩa hút lấy tất cả những sợ hãi, buồn khổ và dằn vặt từ những chịu đựng đớn đau của một người cha, để cho tôi có thể mô tả những gì mà Abraham gánh chịu trong khi muốn bảo vệ đức tin. Tôi muốn nhắc nhở độc giả rằng cuộc hành trình của Abraham kéo dài ba ngày và một phần đáng kể của ngày thứ tư, và ba ngày rưỡi này dài hơn khoảng thời gian mấy ngàn năm chia cách Abraham và tôi.
Tôi muốn nhắc họ rằng, theo thiển ý, mọi người đều có thể thoái lui trước khi họ thực hiện một nhiệm vụ như thế, và có thể quay về ngay vào lúc cảm thấy ăn năn. Nếu như vậy, tôi không còn băn khoăn về sự hiểm nguy, cũng như tôi không còn sợ việc phải đánh thức ước vọng được thử thách như Abraham trong lòng mọi người. Nhưng nếu đưa ra một bản sao rẻ tiền nào đó về câu chuyện Abraham, rồi xúi giục mọi người làm như thế, thì đó là một hành động hết sức lố bịch.
Ý định của tôi là muốn rút ra từ câu chuyện Abraham những hệ quả biện chứng vốn có trong câu chuyện này, nhằm để thấy được cái nghịch lý kỳ cùng của đức tin, cái nghịch lý có khả năng biến một hành động sát nhân thành một hành động trong sạch khi làm hài lòng Thượng Đế, cái nghịch lý đã mang Isaac trở lại cho Abraham, bởi vì đức tin chỉ khởi phát ngay tại nơi mà sự suy tư vắng bóng.
Nguồn:
The Humanities in Contemporary Life; Robert F. Davidson, Sarah Herndon, J. Russell Reaver, William Ruff; Holt, Rinehart and Winston, Inc. xuất bản, 1965.
[1]
Theo Tân Ước, Antipas Herod là vua xứ Galilee và Perea, còn Pontius Pilate là thái thú của quận Ludaea thuộc La-mã. Hai nhân vật này được biết đến thông qua những biến cố dẫn tới việc đóng đinh Chúa Ki-tô trên thập tự giá (xem Tân Ước, Luke 23:1-25)