JOKER 2019, HÃY THƯỞNG THỨC BỘ PHIM HAY MỘT CÁCH ĐƠN GIẢN
Phim Joker 2019 nhận được rất nhiều khen ngợi từ giới chuyên môn và công chúng. Phim giành được giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice và điểm cao ở hầu hết các trang đánh giá uy tín ở nhiều hạng mục như: Đạo diễn, diễn viên chính, âm nhạc, kịch bản,…
Joker có bối cảnh là thành phố giả tưởng Gotham thời những năm 80 thế kỷ trước, nhưng những vấn đề về chính trị, xã hội lại rất gần gũi với công chúng hiện đại. Cách biệt giàu/nghèo, bất công xã hội ở mức độ sẵn sàng bùng nổ,… khiến người xem rất dễ liên tưởng những phong trào chính trị cánh tả diễn ra khắp nơi trên thế giới hiện nay…
Có phải phim Joker nói về vấn đề chính trị – xã hội:
Tôi không cho là như vậy, vì những vấn đề chính trị xã hội trong phim Joker không mang tính đặc thù. Thành phố giả tưởng Gotham với đặc điểm nghèo nàn, bẩn thỉu và tội phạm ở mức cô đặc chỉ là cách mà tác giả muốn khắc họa rõ nét những tình tiết đưa đẩy cho câu chuyện. New York hay Paris, London hay Tokyo, hoặc Ho Chi Minh city thì cũng đầy đủ chất liệu tương tự mà thôi…
Joker cũng như mọi bộ phim khác, khi đặt trong bối cảnh xã hội thì đương nhiên nó mang trong lòng những tính chất của xã hội đó. Người xem càng hiểu biết, càng trải nghiệm nhiều, thì càng dễ liên tưởng đủ thứ sâu xa, bất tận.
Chúng ta sống dưới gầm trời này, có gì mà không liên quan chính trị? Vấn đề nào mà chẳng là vấn đề xã hội, phải không?
* Chính quyền thành phố Gotham cắt giảm ngân sách chương trình chăm sóc y tế cho người nghèo, khiến Arthur không còn được phát thuốc miễn phí nữa,…đúng là đáng thương! Nếu vẫn được duy trì thuốc men, chắc cơn điên của Arthur sẽ đến chậm hơn chăng? cũng ko biết được. Dù sao, việc cắt giảm y tế hẳn không phải vì chính quyền Gotham muốn triệt tiêu nguồn trợ cấp cho người nghèo, biết đâu song song đó sẽ là những trợ giúp khác thiết thực hơn thì sao? Cuộc bầu cử mới với các hứa hẹn thay đổi sắp diễn ra rồi còn gì!…
* Vấn đề giai cấp, mâu thuẫn giàu nghèo trong xã hội không phải điều cốt lõi mà kịch bản muốn chúng ta lưu ý. 03 gã đàn ông trên tàu điện ngầm bị Joker giết chết, xuất phát từ việc hiểu lầm bởi giọng cười quái đản của gã hề, họ tưởng Arthur cười đểu, muốn gây sự với họ, nên đã tấn công Arthur, chứ thực tế họ chả kì thị gì anh ta.
Những người xấu xa, xử tệ với Arthur là những ai? là bọn trẻ con mất nết nghịch ngợm, là gã đồng nghiệp nham hiểm,.. đó đều là những cư dân của Gotham, cũng nghèo hèn như Arthur.
Có ai đối xử tốt với Arthur không? Rất nhiều là khác: chuyên viên tâm lý lắng nghe anh mỗi tuần; Ông chủ quán bar sẵn sàng cho anh cơ hội thử sức; Cô bạn gái xinh đẹp đã dành cho anh những khoảnh khắc ngọt ngào nhất trong đời…; Chính trị gia Thomas Wayne cũng không có vẻ gì là một người xấu, nếu không muốn nói là một người đàn ông mẫu mực, với hình ảnh vợ đẹp con ngoan, gia đình hạnh phúc.
Như vậy, chả có bất công, ngang trái gì ở đây. Mọi thứ xung quanh chỉ là bối cảnh, làm nền cho câu chuyện. Bi kịch của Arthur là một bi kịch cá nhân, bắt nguồn từ tuổi thơ bất hạnh của anh.
Ở đoạn cuối phim, khi Joker khiêu vũ trên chiếc xe, xung quanh là đám đông cổ vũ, sẽ có nhiều cách cảm nhận khác nhau:
Người đầu óc giản đơn thì đồng cảm với đám đông đeo mặt nạ xuống đường đòi “công bằng xã hội”. Kẻ nguy hiểm sẽ nhận ra cơ hội để kích động quần chúng phục vụ mưu đồ chính trị… Đây là nhận thức cá nhân của người xem, chẳng đạo diễn nào dù mang bất kì xu hướng chính trị cài cắm gì vào đấy.
Phim Joker với Parasite (Ký sinh trùng) có những nét tương đồng, đó là bi kịch của những kẻ dưới đáy xã hội. Những mảnh đời bất hạnh đau khổ vẫn luôn hiện diện quanh ta như một thực tế khách quan. Đừng dán nhãn cho các nhân vật là người tốt hay kẻ xấu, hay, đánh giá tác phẩm bằng những quan niệm lạc hậu, giáo điều kiểu như người giàu phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời bất hạnh của người nghèo! Người giàu vẫn có lòng trắc ẩn, kẻ khốn cùng đôi khi sẵn sằng khốn nạn hết mức… Đây cũng là trải nghiệm cá nhân của người xem, đạo diễn không hề định hướng bất cứ điều gì.
Tự do tư tưởng là một giá trị phổ quát của phương Tây, việc chỉ trích Nhà nước hay thậm chí chửi đích danh Tổng thống của họ là chuyện rất bình thường, cho nên thích thì họ nói thẳng, chỉ mặt đặt tên luôn chứ không phải ngại gì! Đạo diễn không cần dụng công cài cắm, ẩn dụ đủ thứ vào một bộ phim thuần túy giải trí, như Joker.
Những “bất công xã hội”, “mâu thuẫn giai cấp”,… trong phim, là những điều rất cơ bản mà ai cũng dễ dàng nhận thấy. Quan điểm của tôi: những gì quá hiển nhiên, quá rõ ràng thì không cần bàn đến. Phân tích, tranh luận về những vấn đề ấy chả phải mất thời gian, và ngớ ngẩn lắm hay sao!?
Phim Joker là một phim tâm lý, giật gân, người xem cần quan sát và phân tích yếu tố tâm lý, diễn biến tâm lý của nhân vật mới đánh giá đầy đủ và trọn vẹn về nó. Kịch bản phim Joker rất đơn giản, nhưng cách xây dựng nhân vật với các diễn biến tâm lý phức tạp, tinh tế, cùng diễn xuất đỉnh cao của Joaquin Phoenix mới khiến nó trở thành “siêu phẩm”!
Vậy, tôi sẽ nói rằng: “Không nhất thiết phải thật am hiểu chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử… mới xem được phim Joker”, điều này cũng đúng với hầu hết các bộ phim khác. Trong nhiều trường hợp, càng hiểu biết sâu về nhiều lĩnh vực, thì càng sa đà vào việc “bắt giò” tác phẩm, kiểu như, “À, ông đạo diễn gài chi tiết X đấy”, “Ồ, tay biên kịch đang ám chỉ chuyện Y chứ gì,..”, sẽ khiến nội dung tác phẩm méo mó, xa rời bản chất thật, vẻ đẹp của nghệ thuật bị băm nát. Điện ảnh hiện đại, chỉ đơn giản là cách kể chuyện, phát triển tâm lý nhân vật, khung hình, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên…Hãy tập trung vào những thứ đó thôi.
Hãy thưởng thức nghệ thuật theo cách đơn giản, hồn nhiên nhất.