
SöREN KIERKEGAARD – RUN SỢ
Warning: Undefined array key "margin_above" in /home/giobayle/public_html/wp-content/plugins/ultimate-social-media-icons/libs/controllers/sfsiocns_OnPosts.php on line 663
Warning: Undefined array key "margin_below" in /home/giobayle/public_html/wp-content/plugins/ultimate-social-media-icons/libs/controllers/sfsiocns_OnPosts.php on line 664
SöREN KIERKEGAARD – RUN SỢ
Giới thiệu: Mặc dầu đã qua đời cách đây một trăm năm, và mặc dầu cho đến gần đây các tác phẩm của ông hầu như chỉ được biết đến trong phạm vi nước Đan-mạch, nhưng Sören Kierkegaard, ngày nay, vẫn là một trong những nhân vật gây tranh cãi và có nhiều ảnh hưởng trong lãnh vực tư tưởng tôn giáo. Trong suốt sáu năm, từ 1842 đến 1848, Kierkegaard đã sản sinh nhiều tác phẩm đến nỗi ông được mệnh danh là Pascal của Đan-mạch. Có thể nói ông là người mà triết thuyết hiện sinh hữu thần hiện đại phải mang ơn, và ngay cả những nhà hiện sinh vô thần cũng phải thừa nhận tầm quan trọng của tư tưởng ông. Ngày nay, về phương diện văn chương và triết lý, không hiểu biết Kierkegaard thì cũng giống như tự phơi bày sự thiếu sót về năng lực tri thức của mình.
Kierkegaard sinh năm 1813 tại thành phố Copenhagen và qua đời vào năm 1855. Ông là một kẻ nổi loạn trong suốt cuộc đời mình. Ông công kích Thiên Chúa giáo và nhà thờ về sự thất bại của tôn giáo này trong việc giải quyết một cách thực tế các vấn đề căn bản của kiếp nhân sinh. Thậm chí ông còn thẳng thừng bác bỏ triết học phi thực tế của Hegel, người mà vào thời đó đã là một nhân vật kiệt xuất của nền triết học Âu châu. Kierkegaard cho rằng các yếu tố định đoạt thân phận con người phải là mối quan tâm trọng yếu của chúng ta – và niềm tin là kẻ dẫn đạo có ý nghĩa và nhiều giá trị hơn so với lý trí trong việc tạo ra các yếu tố đó. Nhưng Kierkegaard không hề nói đến niềm tin hời hợt, nông cạn và giả nhân giả nghĩa. Ông không ngừng trở đi trở lại với niềm tin mà đã làm cho Abraham hy sinh đứa con yêu quý của mình, Isaac, như là một ví dụ điển hình về niềm tin chân thực là gì và loại yếu tố định đoạt nào mà con người luôn luôn phải đối diện.
Trong những năm gần đây, sau một thế kỷ bị lãng quên, hầu hết các tác phẩm của Kierkegaard đã được dịch sang Anh ngữ, trong đó có các tác phẩm quan trọng như Either-or, Stages on Life’s Way, The Concluding Unscientific Postscript, Fear and Trembling, và Purity of Heart. Sự cô đơn và nỗi bi thiết được thể hiện bàng bạc trong những cuốn sách này; Kierkegaard đã để hết tâm trí vào cuộc tìm kiếm lẽ thánh thiêng đến nỗi gần như ông đã tự tách mình khỏi tất cả những mối dây cảm thông của nhân loại.
Khó có thể chọn ra một đoạn văn khắc họa được tư tưởng của ông mà không bị những diễn dịch sai lạc, nhưng những suy gẫm của ông về niềm tin của Abraham trong Fear and Trembling (trích đoạn của tác phẩm này sẽ được giới thiệu dưới đây) là một đoạn văn như thế — đồng thời, đoạn văn này cũng mang lại cho ta một ví dụ rõ ràng về loại kinh nghiệm mà chủ nghĩa hiện sinh đề cập đến. Trong suốt thời gian viết Fear and Trembling, Kierkegaard đã phải cố gắng khước từ ước vọng về hạnh phúc trong cuộc hôn nhân với người phụ nữ mà ông thương yêu. Sự hy sinh Isaac của Abraham, đối với ông, dường như là một kinh nghiệm tương đồng. Ông mô tả kinh nghiệm của Abraham bằng tất cả tấm lòng và sự xúc cảm mãnh liệt mà ông đã từng trải nghiệm từ chính đời sống của riêng mình.
_________________
Mở đầu
Ngày xưa, có một người đàn ông, thuở còn bé, được nghe câu chuyện tuyệt đẹp (Sáng Thế Ký, chương 22) về cách Thượng đế thử thách Abraham và làm sao ông vượt qua sự thử thách đó, giữ vững đức tin và lần thứ hai có lại một đứa con ngoài sự mong đợi của mình. Khi người đàn ông lớn lên, hắn đọc câu chuyện đó bằng một sự ngưỡng phục lớn lao chưa từng có, bởi vì đời sống đã phân ly những gì được thống hợp trong tâm hồn non dại thuần thành của đứa trẻ. Càng khôn lớn, đầu óc hắn càng miên man nghĩ về câu chuyện đó, lòng nhiệt thành trong hắn càng lúc càng trở nên mãnh liệt, nhưng đồng thời câu chuyện càng lúc càng trở nên khó hiểu. Cuối cùng, hắn quên hết tất cả mọi thứ khi nghĩ về câu chuyện; tâm hồn hắn giờ đây chỉ còn duy nhất một ước mong, đó là gặp Abraham để trở thành chứng nhân của biến cố đó. Ước mong của hắn không phải là để được nhìn thấy các quốc gia xinh đẹp của phương Đông, cũng chẳng phải để được chiêm ngưỡng sự tráng lệ của Miền Đất Hứa, hay đôi uyên ương sùng đạo được Thượng Đế ban phước lúc tuổi già, hay hình ảnh tôn kính của vị giáo trưởng già nua, hay tuổi xanh cường tráng của Isaac, kẻ được Thượng Đế ban tặng cho Abraham – hắn không tìm được lý do để lý giải tại sao chuyện tương tự như vậy lại không xảy ra cho một kẻ hiếm muộn nào đó ở Đan-mạch. Ước mong của hắn là được đồng hành với Abraham trong cuộc hành trình kéo dài ba ngày, cuộc hành trình mà Abraham bước đi với nỗi thống khổ đang đợi chờ phía trước và với Isaac đang ở cạnh bên. Ước mong duy nhất của hắn là được hiện diện vào lúc mà Abraham ngước mắt lên và trông thấy đỉnh Moriah ở phía xa, vào lúc mà Abraham bỏ đàn lừa lại và đi một mình với Isaac lên đỉnh núi; bởi vì những gì tràn ngập trong tâm trí của ông giờ đây không phải là sự mưu đồ đối phó, mà là nỗi run rẩy âu lo.
Người đàn ông này không phải là người hay suy tư, hắn thấy mình không cần phải vượt ra ngoài đức tin; hắn cho rằng điều vinh quang nhất là được nhớ tới như là người cha của đức tin; đối với hắn, số phận đáng khát khao nhất là số phận của kẻ có đức tin ấy, ngay cả khi không còn ai biết nó là gì.
Người đàn ông này không phải là nhà chú giải kinh sách uyên bác, hắn không biết tiếng Hebrew; nếu biết, có lẽ hắn đã dễ dàng hiểu Abraham và câu chuyện.
I
Và Thượng Đế thử thách Abraham. Ngài phán rằng: “Hãy đem Isaac, đứa con duy nhất của nhà ngươi, đứa con mà người hằng yêu thương, đến xứ Moriah để dâng nó cho một cuộc lễ thiêu diễn ra trên một đỉnh núi mà ta sẽ chỉ cho ngươi.
Sáng hôm đó, Abraham thức dậy sớm, sai người thắng yên cương cho đàn lừa, rồi cùng với Isaac rời khỏi lều. Từ cửa sổ, Sarah ngóng nhìn theo họ đến tận khi bóng họ chìm dần phía bên dưới thung lũng. Họ lặng lẽ đi trong ba ngày. Đến buổi sáng ngày thứ tư, Abraham cũng không nói lời nào, nhưng ông ngước mắt nhìn lên và thấy ngọn Moriah ở phía trời xa. Ông để đoàn tùy tùng ở lại, rồi tiếp tục đi bên cạnh Isaac lên đỉnh núi. Ông tự nhủ: “Ta phải nói cho Isaac biết con đường này sẽ dẫn nó đến đâu.” Ông đứng lặng, đặt tay lên đầu Isaac để ban phúc cho nó. Isaac liền cúi đầu đón nhận. Và khuôn mặt của Abraham lộ rõ nét nhân từ; ánh nhìn ấm áp, giọng nói khuyên lơn. Nhưng Isaac không thể nào hiểu ông. Tâm hồn nó chùng xuống; nó ôm gối Abraham, phủ phục dưới chân ông, van nài sinh mạng thanh xuân, khẩn cầu những ước vọng tương lai của nó, gợi lại những hình ảnh tươi vui, cả những khổ đau và cô độc nữa, trong ngôi nhà của Abraham. Abraham đỡ đứa con trai dậy, đi bên cạnh nó, nói những lời an ủi và cổ võ. Nhưng nó không thể hiểu ông. Ông tiếp tục trèo lên đỉnh núi Moriah, và Isaac vẫn không hiểu ông. Ông liền ngoảnh mặt đi một lúc, và sau đó Isaac thấy sắc diện ông thay đổi, ánh nhìn trở nên hung tợn, khuôn mặt trở nên kinh hoàng. Ông tóm cổ Isaac, ném nó xuống đất, rồi nói: “Thằng ngu, bộ mày tưởng tao là cha của mày sao? Tao là kẻ tôn sùng thần tượng. Chắc mày nghĩ đây là mệnh lệnh của Thượng Đế hả? Không, đây là ý muốn của tao.” Isaac run rẩy và kinh hoàng kêu lên: “
Xin Thượng đế trên trời cao hãy thương xót lấy con, xin Thượng đế của Abraham hãy thương xót lấy con; nếu trên đời này, con không có cha, xin Ngài hãy là cha của con!” Nhưng khi đó Abraham chợt thì thầm với chính
ông: “Lạy Thượng đế, con cảm ơn Ngài; cuối cùng, thà rằng con của con tin rằng con là quái vật, còn hơn là nó đánh mất niềm tin vào Ngài.”
Khi đứa con đến lúc cần phải cai sữa, người mẹ thường bôi đen bầu vú. Thật là tội lỗi khi bầu vú căng ngon mà đứa con không được áp miệng vào. Thế là đứa con tin rằng bầu vú đã đổi thay, nhưng người mẹ vẫn là người mẹ ấy, ánh nhìn của bà vẫn đầy ắp những dịu dàng và yêu thương như thuở nào. Hạnh phúc thay cho những ai không cần phải dùng chước mưu kinh sợ để cai sữa cho đứa con của mình!
II
Sáng hôm đó, Abraham dậy sớm, ôm lấy Sarah, người vợ của những năm tháng xế chiều của ông, và Sarah hôn Isaac, đứa con đã xóa tan những mặc cảm tủi thẹn của nàng, là niềm kiêu hãnh và ước vọng của nàng. Hai cha con đi lặng lẽ bên nhau. Abraham cứ cúi mặt nhìn xuống đất. Đến ngày thứ tư, ông ngước mắt lên và nhìn thấy ngọn Moriah phía xa, nhưng ông lại nhìn xuống đất. Không nói một lời, ông chất củi thành đống, rồi trói Isaac lại và lặng lẽ rút dao ra. Nhưng lúc đó ông nhìn thấy con chiên đực mà Thượng Đế đã để sẵn. Ông hiến tế nó, rồi quay về nhà… Kể từ đó trở đi, Abraham trở nên già nua. Ông không thề nào quên được rằng Thượng Đế đã đòi hỏi ông làm điều này. Isaac vẫn lớn nhanh như trước đây, nhưng đôi mắt của Abraham bây giờ lại đầy vẻ muộn phiền và ông không còn thấy hạnh phúc nữa.
Khi đứa con đã lớn và đến lúc phải cai sữa, người mẹ e ấp như gái trinh dấu đi bờ ngực, thế là đứa con không còn mẹ nữa. Hạnh phúc thay cho đứa con nào không mất mẹ, dù trong bất cứ ý nghĩa nào.
III
Sáng hôm đó, Abraham dậy sớm, hôn Sarah, người mẹ trẻ, và Sarah hôn Isaac, nguồn vui vô bờ của nàng. Abraham trầm ngâm suốt đoạn đường. Ông nghĩ về Hagar và về đứa con của nàng mà ông mà ông đã đuổi vào rừng. Ông trèo lên đỉnh Moriah. Ông rút dao ra.
Đó là một buổi chiều tịch mịch. Abraham đi một mình đến đỉnh Moriah; ông quỳ xuống, ngửa mặt lên trời cầu xin Thượng Đế tha thứ cho tội lỗi của ông vì ông đã có ý định hiến tế Isaac, vì một người cha mà lại không chu toàn trách nhiệm đối với con mình. Dù chỉ đi có một mình, nhưng ông không cảm thấy thanh thản trong lòng. Ông không thể nào hiểu rằng ông có tội khi muốn hiến dâng cho Thượng Đế điều tốt đẹp nhất mà ông có, điều mà vì nó ông sẵn sàng được chết nhiều lần; và nếu đó là một tội lỗi, nếu ông không yêu thương Isaac, thì ông cũng không thể hiểu rằng tội lỗi đó sẽ được thứ tha. Bởi vì có tội lỗi nào kinh hoàng hơn thế nữa không?
Đến lúc một đứa con cần phải cai sữa, người mẹ không tránh khỏi khổ đau khi nghĩ rằng bà và đứa con càng lúc càng xa nhau, rằng đứa con mà mình ấp ủ trong lòng giờ đây không còn ở gần bên nữa. Vậy là cả hai mẹ con cùng thương tiếc giây phút phân kỳ đó. Hạnh phúc thay cho người nào giữ được đứa con gần gũi bên mình và không còn khổ đau thêm nữa!
IV
Sáng hôm đó, trong nhà Abraham, mọi thứ đã được chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hành trình. Abraham từ biệt Sarah. Eleazar, người hầu trung thành, sẽ đi cùng với ông đến tận ngày về. Abraham và Isaac đi lặng lẽ bên nhau cho đến lúc tới đỉnh Moriah. Abraham đã chuẩn bị, một cách bình thản và thầm lặng, mọi thứ cho cuộc hiến tế này; nhưng khi ông xoay người lại để rút dao ra, Isaac thấy tay trái của ông nắm chặt trong nỗi tuyệt vọng và một cơn run rẩy chạy suốt toàn thân ông – tuy nhiên, Abraham vẫn rút dao ra.
Rồi họ lại quay về nhà. Sarah tất tả chạy ra đón họ, nhưng Isaac đã mất niềm tin. Không lời nào về điều này được thốt ra, và Isaac không bao giờ nói với ai về điều mà nó trông thấy, và Abraham cũng không hề biết có người đã trông thấy điều đó.
Đến lúc đứa con cần phải cai sữa, người mẹ phải có sẵn thức ăn đặc cho nó ăn, không thôi nó sẽ mất mạng. Hạnh phúc thanh cho người nào có sẵn thức ăn đặc trong tay.
Và thế là người đàn ông mà chúng ta đang nói đến, bằng nhiều cách, đã nghĩ về sự kiện này. Mỗi lần trở về nhà sau chuyến đi đến đỉnh Moriah, hắn đều chìm đắm trong những âu lo, rồi chắp tay và nói: “Không ai cao cả như Abraham! Ai là kẻ có thể hiểu được ông?”
(còn tiếp)
______________________
Nguồn: The Humanities in Contemporary Life; Robert F. Davidson, Sarah Herndon, J. Russell Reaver, William Ruff; Holt, Rinehart and Winston, Inc. xuất bản, 1965
